Những năm qua, huyện Quan Sơn đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ Nhân dân trồng, bảo vệ và phát triển rừng. Chủ trương đúng mang lại lợi ích “kép”, vừa nâng cao diện tích, giá trị rừng, vừa tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Có thể thấy, các chính sách hỗ trợ cho người trồng rừng bước đầu đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời khuyến khích được người dân tích cực tham gia trồng rừng, làm tăng diện tích rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng, đồng thời tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Một trong những chính sách được huyện Quan Sơn triển khai hiệu quả đó là thực hiện Quyết định số 3645/QĐ-UBND ngày 26-9-2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, về việc phê duyệt phương án hỗ trợ gạo cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), hộ gia đình người kinh nghèo tự nguyện nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ và nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng trong thời gian chưa đảm bảo được lương thực trên địa bàn huyện Quan Sơn, giai đoạn 2018-2024. Các đối tượng tham gia được nhận mức trợ cấp gạo căn cứ vào diện tích trồng rừng, diện tích rừng chăm sóc và bảo vệ, mỗi héc ta không quá 700 kg/năm và mỗi nhân khẩu được trợ cấp bình quân 10 kg/tháng. Riêng đối với hộ nghèo mức hỗ trợ 15 kg/tháng. Chỉ tính riêng năm 2019, huyện Quan Sơn có 1.592 hộ với 7.095 nhân khẩu thuộc đối tượng hỗ trợ đã nhận 7.772,37 ha diện tích trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng…
Ngoài ra, đối với diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch phát triển rừng sản xuất đã giao ổn định, lâu dài cho hộ gia đình được hỗ trợ một lần cho chu kỳ đầu tiên để trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ. Mức hỗ trợ này từ 5 triệu – 10 triệu đồng/ha để mua giống, phân bón và chi phí một phần nhân công, tùy theo chu kỳ kinh doanh của loài cây trồng theo thiết kế – dự toán.
Đối với quy định Nghị định 75 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ rừng, căn cứ vào thiết kế – dự toán trồng rừng, ngoài số tiền để trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ như quy định, hộ gia đình còn được Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay trồng rừng với hạn mức 15 triệu đồng/ha. Thời hạn vay từ khi trồng đến khi khai thác theo chu kỳ kinh doanh của từng loại cây trồng nhưng không quá 20 năm. Bên cạnh đó, các hộ gia đình còn có thể vay đến 50 triệu đồng mà không cần tài sản bảo đảm để chăn nuôi gia súc với thời hạn vay tối đa 10 năm…
Huyện Quan Sơn còn khuyến khích Nhân dân trồng rừng bằng nhiều cách khác nhau, như: tạo điều kiện cho các hộ dân tự bỏ vốn, công sức để trồng, nhất là cây luồng, do đó rừng luồng phát triển nhanh. Thứ hai là trồng theo dự án 327, 661, 147 do Nhà nước đầu tư hỗ trợ vốn; bao gồm rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Thứ ba là các chủ rừng Nhà nước là các đồn biên phòng, ban quản lý rừng phòng hộ đầu tư trồng rừng nơi đất trống trong diện tích được giao quản lý kể cả rừng phòng hộ và rừng sản xuất…
Nhờ chính sách hỗ trợ cho người trồng rừng đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cũng như hiệu quả công tác quản lý của các cấp chính quyền địa phương và người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Quan Sơn.