Khi thóc lúa trên nương đã vào kho, tranh thủ lúc nông nhàn, những người phụ nữ Mường ở miền Tây Thanh Hóa lại tay se sợi, ngồi tỉ tê bên khung dệt để “thổi hồn” cho nghề thổ cẩm.
Chiềng Khạt – một bản người dân tộc Mường ở xã Đồng Lương (huyện Lang Chánh). Trải qua nhiều thế hệ, nơi đây vẫn còn lưu giữ nét đẹp mang bản sắc văn hóa vùng dân tộc thiểu số qua nghề dệt thổ cẩm. Ở đó, những nữ nghệ nhân vẫn ngày đêm se sợi, dệt ra những chiếc khăn choàng, những bộ váy bản địa và nhiều sản phẩm kết tinh giữa tình yêu và tâm huyết của nghề.
40 năm về trước, bà Lê Thị Tiền khiến nhiều chàng trai trong bản Chiềng Khạt say mê bởi đôi bàn tay khéo léo, thành thạo nghề dệt thổ cẩm. Cô sơn nữ Mường ngày ấy sớm biết đến nghề dệt từ năm 13 tuổi. Nay tuổi đã gần 60 nhưng nghề truyền thống ấy vẫn được bà và nhiều phụ nữ khác trong bản gìn giữ như một kho báu vô giá, họ muốn lưu giữ một vẻ đẹp đến con cháu sau này và mãi mãi.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đến nay, ở Chiềng Khạt còn sót lại một tổ sản xuất nghề dệt thổ cẩm với gần 20 nghệ nhân tuổi từ 46 – 60. “Dệt thổ cẩm bây giờ đỡ vất vả hơn ngày xưa nhiều. Trước kia để có sợi thì phải trồng bông, nuôi kén, tằm rồi mới kéo ra sợi để dệt. Ngày nay, xã hội phát triển chỉ cần đặt sợi có sẵn của các trung tâm, đại lý, đem về se sợi rồi tiến hành các công đoạn thủ công nhanh chóng hơn rất nhiều”. Bà Tiền tâm sự.
Theo bà Tiền, khoảng 20 năm về trước, đi khắp bản làng đều nghe tiếng lạch cạch bên khung cửi, nghề dệt thổ cẩm ở đây đã có một thời hoàng kim vì rất nhiều đơn đặt hàng.
Cùng chung thế hệ như bà Tiền, bà Lương Thị Xuyến vẫn còn nhớ như in về những món đồ mà bà chuẩn bị để tặng gia đình nhà chồng vào ngày cưới. Bởi lẽ, theo phong tục của người Mường, con gái khi lấy chồng phải tự tay dệt từ 6 – 12 món đồ gồm chăn, quần áo, khăn, gối … để tặng cho gia đình nhà chồng. Cũng chính vì thế mà lúc bấy giờ những cô gái Mường hầu hết ai cũng phải biết đến dệt thổ cẩm.
“Phải biết chứ, phải biết dệt chứ, là con gái Mường không biết dệt thì sao mà lấy được chồng. Ngày xưa, bà dạy cho mẹ, mẹ dạy cho con, nhà nào cũng có khung dệt, nhà nào đông con gái thì càng nhiều khung dệt, mỗi người một cái”, bà Xuyến mộc mạc kể.
Đó là câu chuyện về nghề dệt truyền thống của người dân bản địa nơi đây. Nét đẹp đó đến nay vẫn còn lưu giữ mãi qua từng thế hệ, nó được lưu giữ bằng những sản phẩm, những hoa văn đường nét, hay gần gũi nhất đó chính là những bộ váy truyền thống mà họ đang mặc. Nếu ai đã từng có dịp ghé thăm miền cao sơn cước thật không khó để bắt gặp những người phụ nữ Mường, Thái, Dao, Mông xinh xắn diện váy truyền thống đi hội.
Theo chia sẻ từ những nghệ nhân, để có được những tấm thổ cẩm ưng ý phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỷ mỉ, cần cù trong từng chi tiết. Điều đặc biệt để tạo nên thổ cẩm đẹp đó chính là sự công phu qua bàn tay của người phụ nữ nơi đây.
“Trước khi đưa vào dệt thì phải kéo sợi, sau đó sợi được đưa vào khung vuông rồi chạy quanh 8 – 10 ống chỉ để se sợi; se sợi xong thì mới đưa lên khung chừng 15 – 20m, sau đó bỏ sợi vào khổ co, lên cuốn cố định từng sợi vào khung cửi, đánh hoa văn theo yêu cầu rồi tiến hành dệt xuyên suốt cả quá trình. Nếu muốn màu sắc theo ý muốn thì trước kia phải nhuộm nhưng bây giờ thì khác, giờ có sợi nhuộm sẵn nên cũng tiện”, bà Tiền chia sẻ sơ qua về quá trình dệt thổ cẩm.
Những tấm thổ cẩm dệt xong được kiểm tra lại kỹ lưỡng bằng cách bấm gọn những lỗi dư thừa sau đó mới đưa đi kết tạo ra sản phẩm.
Ngày nay, nghề dệt thổ cẩm phát triển theo nhiều hướng khác nhau vì thế các sản phẩm được làm ra cũng đa dạ, phong phú. Ngoài dệt váy, chăn, gối… thì sự sáng tạo của những đôi bàn tay khéo léo đã bắt kịp nhu cầu thị trường, họ dùng máy may để tạo ra túi xách, bao đựng điện thoại, máy tính, hay đơn thuần là những chiếc khăn choàng với họa tiết hoa văn bắt mắt.
“Thực hiện đề án gìn giữ và phát triển nghề dệt của địa phương, những năm qua, bằng sự chỉ đạo và quan tâm của các cấp ngành, chúng tôi vẫn luôn phấn đấu lưu giữ và thường xuyên mở các đợt tập huấn về nghề dệt thổ cẩm cho bà con. Ngoài việc khôi phục lại nghề, trong tương lai, dệt thổ cẩm sẽ trở thành một trong những nghề phát triển đi kèm du lịch tại địa phương, đây cũng là cách để quảng bá sản phẩm truyền thống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Bà Lê Thị Vân – Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đồng Lương (huyện Lang Chánh) cho hay.