Để đồng bào nghèo vùng cao xứ Thanh thoát nghèo bền vững, tỉnh Thanh Hóa đã lồng ghép các nguồn lực từ Trung ương, địa phương để thực hiện nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất ở khu vực nông thôn miền núi mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Mô hình trồng rừng gỗ lớn ở xã Xuân Hòa (Như Xuân) đã, đang mang lại hiệu quả kinh tế.
Bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, tỉnh ta còn chú trọng công tác phát triển kinh tế, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tận dụng, khai thác tiềm năng đất đai để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa… Giai đoạn 2014 – 2019, bằng nguồn vốn 30a, Chương trình 135 và các chương trình, dự án khác của Trung ương, khu vực miền núi đã được đầu tư hơn 80 nghìn tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh ban hành một số nghị quyết về giảm nghèo, phê duyệt nhiều đề án phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi. Điển hình như: Đề án “Ổn định sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế – xã hội 3 bản dân tộc Mông huyện Quan Sơn, giai đoạn 2016 – 2020”; “Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2013 – 2020”; Đề án tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; Đề án “Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”… Ngoài ra, các sở, ban, ngành trong tỉnh cũng quan tâm hỗ trợ, đầu tư nhiều chương trình dự án giúp đồng bào phát triển kinh tế. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện dự án về trồng trọt, chăn nuôi, quản lý bảo vệ rừng; hỗ trợ phát triển mô hình cây lúa nước cho năng suất cao ở xã Yên Khương (Lang Chánh), xã Trung Lý (Mường Lát); phát triển cây vầu (Quan Sơn); nuôi cá tầm ở xã Bát Mọt (Thường Xuân). Hội chữ thập đỏ tỉnh, Chi nhánh Viettel Thanh Hóa và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai Chương trình “Chung tay vì cộng đồng – Hỗ trợ bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”…
Từ năm 2001 đến nay, tỉnh Thanh Hóa cũng được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phê duyệt thực hiện 20 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi. Các dự án tập trung vào cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương như mía, luồng, vầu, các loại cây dược liệu quý, chăn nuôi dê, bò, lợn, gà, đà điểu… Thông qua việc triển khai thực hiện các dự án nông thôn miền núi, tỉnh Thanh Hóa bước đầu đã hình thành được các vùng sản xuất rau an toàn với diện tích gần 1.000 ha; chăn nuôi phát triển theo hướng gia trại, trang trại; xây dựng vùng thâm canh luồng; cải tạo và khai thác tốt rừng vầu, bảo đảm nguyên liệu phục vụ sản xuất ngành hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu… Các dự án đã tạo ra được nhiều mô hình ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất đạt hiệu quả cao, như các mô hình: sản xuất giống và trồng dược liệu ở các bản Son – Bá – Mười, xã Lũng Cao (Bá Thước); sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm tại 6 xã đặc biệt khó khăn của huyện Thạch Thành; Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình phát triển kinh tế theo hướng sinh thái tổng hợp cho người dân tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước)…
Có thể thấy, hiệu quả từ các chương trình, dự án đã làm cho bộ mặt nông thôn miền núi trong tỉnh chuyển biến toàn diện, kinh tế phát triển, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày một nâng cao, góp phần nhân lên niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng đối với đồng bào các dân tộc vùng cao.